Những huyền thoại ly kỳ ở vùng Bảy Núi - Thất Sơn Kỳ 2: Những cây thẻ… phá trấn yểm

 

Tương truyền, Đức Phật Thầy Tây An (Giáo chủ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương) đã kêu đại đệ tử là Đức Quản Cơ Trần Văn Thành đi cắm 5 cây thẻ. 1 cây cắm tại trung tâm là đỉnh núi Cấm và 4 cây cắm quanh vùng Thất Sơn. Dù Đức Phật Thầy không nói nhưng sau này có tài liệu nghiên cứu ra rằng, đó chính là những vật phá trấn yểm đầy huyền diệu của ngài.


Đến thời mạt pháp sẽ mở hội Long Hoa
Có một nguồn tài liệu đề cập, theo kinh giảng Nhà Láng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và lời truyền kể, vào khoảng năm 1851, vâng lệnh thầy là Đức Phật Thầy Tây An, đệ tử Trần Văn Thành (Đức Quản Cơ) cùng một số người lên núi tìm gỗ lào táo rồi đẽo gọt thành hình búp sen và khắc 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Xong, họ đem cắm 4 cây thẻ ở 4 phương và 1 cây ở vị trí trung tâm.
Thẻ số 1 tên Đông phương Thanh Đế, cắm ở xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) ngày nay. Theo thời gian cây thẻ này bị đất lấp nên không còn.
Cây thẻ số 2 tên Bắc phương Hắc Đế, cắm ở xã Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) ngày nay. Đây là cây thẻ lộ thiên được quấn lớp vải đỏ (biểu tượng thờ phụng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương), trong 1 đền thờ giữa 2 hàng gươm giáo.
Cây thẻ số 3 tên Tây phương Bạch Đế, được cắm ở chùa Bồng Lai bên bờ kênh Vĩnh Tế, nay thuộc xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Thẻ số 4 tên Nam phương Xích Đế, cắm ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Tuy nhiên, do cắm giữa rừng tràm nên ngày nay mất dấu.
Cây thẻ số 5 có tên Trung ương Huỳnh Đế, cắm gần hang Bác vật Lang, tại vị trí trung tâm thuộc ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang ngày nay. Vị trí này nằm trên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Đức Phật Thầy Tây An có viết, cắm thẻ để ngăn chặn kẻ dữ xâm phạm chủ quyền địa giới.

Nơi thờ Dinh Ông Thẻ

Theo truyền thuyết, Bửu Sơn (núi báu) là Thất Sơn mà linh thiêng nhất là núi Cấm. Kỳ Hương tức là mùi hương lạ. Hội Long Hoa sau thời mạt pháp sẽ được thành lập ở núi Cấm để đón nhận những ai biết tu hiền. Ý nghĩa của việc cắm cây thẻ trung tâm là sau này hội Long Hoa diễn ra ở đó. Sau 1 tiếng nổ lớn long trời lở đất ở núi Cấm, thì nơi ấy sẽ hiện ra 1 đền đài cung điện nguy nga, tráng lệ. Ở đó cũng xuất hiện 1 vị minh quân Thánh chúa, hết lòng giúp dân. Chỉ những ai biết tu hiền thì mới được chọn làm con dân của thời minh chúa này và được thụ hưởng một cuộc sống như cõi Tiên.
Nhà văn Sơn Nam viết: “Có thể nói Phật Thầy Tây An là người thứ nhất báo hiệu và đánh thức người đời rằng thời kỳ Hạ ngươn sắp mãn để bước sang thời Thượng ngươn, tức là thời kỳ Đức Di-lặc hạ sanh lập nên hội Long Hoa”.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (tỉnh An Giang) cho biết, theo một tư liệu cổ viết bằng chữ Nôm mang tên Năm Ông Mười Sầu, người tu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có bài nguyện: “Nam mô Đông Phương Thanh Đế Chí Công Vương Phật/ Nam mô Tây Phương Bạch Đế Lãng Công Vương Phật/Nam mô Nam Phương Xích Đế Bửu Công Vương Phật/Nam mô Bắc Phương Hắc Đế Hóa Công Vương Phật/Nam mô Trung ương Huỳnh Đế Đường Công Vương Phật”. Do mỗi cây thẻ mang ý nghĩa biểu trưng danh hiệu của 1 vị Phật, nên người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã dựng miếu thờ tại các vị trí cắm thẻ và gọi là dinh “Ông Thẻ”, hay “Quan Thẻ”.
“Việc dựng cất dinh “Ông Thẻ” là hoàn toàn phù hợp với nếp nghĩ lâu đời của dân gian. Nó giống như người ta dựng cất những ngôi miếu nhỏ vừa làm điểm thờ tự (thờ thổ thần), vừa làm ranh đất. Thông thường, kẻ có gian ý cũng không ai dám cả gan dời miếu để lấn ranh. Người ta còn cho rằng đó là cách giải trừ trấn yểm theo thuật phong thủy, để nhằm đối phó với sự trấn yểm của người khác”, ông Hiệp nói.
Cắm thẻ quanh vùng Thất Sơn để… phá yểm
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp kể, trong tinh thần bảo tồn, nhất là bảo tồn cổ vật mang tính tâm linh, người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã nhổ cây thẻ lên đem đặt trong những ngôi miếu thờ. Với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cây thẻ là vật thiêng được nhân hóa thành “ông” hay “quan”. Sự nhân hóa này được dùng rất phổ biến trong dân gian Nam bộ. Ví dụ nh,ư con cọp thì được gọi là “ông cọp”, con cá sấu 5 chân thì gọi “ông năm chèo”, hay như đôi trâu của Đức Phật Thầy Tây An dùng để cày đất khẩn hoang thì gọi là “ông sấm, ông sét”. Hoặc chiếc ghe 6 bổ chèo mà ngày xưa Đức Cố Quản Trần Văn Thành dùng làm phương tiện đi lại thì gọi là “ông sáu”. Chiếc ghe này đang được thờ tại chùa Ghe Sáu ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang…
Cũng theo ông Hiệp, nếu hiểu theo cách phổ biến ngày xưa thì cuốn sách “Đại Nam Quốc âm tự vị” của ông Huỳnh Tịnh Paulus Của viết, cây thẻ có hình dạng dài, vạt bằng 1 đầu để ở nóc Nhà việc (trụ sở làng). Ban đêm dân tuần phải vác cây thẻ theo cho biết là dân tuần làng nào. Cũng hiểu đó là miếng cây dẹp thuộc loại gỗ bền không mục, hoặc lâu mục và có khắc chữ ở trên (thường là tên - danh hiệu), đem cắm ở những nơi nhất định để làm dấu, kiểu ranh đất. Nó còn được gọi là mộc bài, như địa danh Mộc Bài ở tỉnh Tây Ninh ngày nay chẳng hạn. Vậy chuyện “Ông Thẻ” nếu không hiểu là những vật linh thiêng mang tính tôn giáo, thì nên hiểu nguồn gốc của nó là những cột mốc ranh.

Cây thẻ để ngăn chặn kẻ dữ xâm phạm chủ quyền địa giới

Tuy cách giải thích của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp như vậy, nhưng có sách viết những cây thẻ ấy được cắm nhằm mục đích phá trấn yểm. Sách này viết rằng, ngày xưa Đức Phật Thầy Tây An đã cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành trồng 4 cây thẻ quanh vùng Thất Sơn. Ý chừng ngài (Đức Phật Thầy Tây An) đã biết rõ sự trấn yểm của người Tàu nên cắm thẻ để trấn áp cho bùa yểm mất thiêng đi. Hoặc vì sự che chở cho anh linh vượng khí hay long huyệt của nước Việt ta mà ngài có phận sự phải làm!
Sách còn viết, sự trấn yểm và muốn đè nén không cho dân Việt có được Thánh nhân ra đời đối với người Hoa là thường. Như tương truyền có rồng ở lưu vực Hồng Hà (sông Hồng) thời Hồng Thủy. Nó theo dõi đường Nam tiến để yểm trợ dân Việt. Thầy địa lý của Tàu là Cao Biền đã theo dấu đến xứ Việt Nam, định trấn yểm và giết hết, không để nó hun đúc tinh thần dân tộc Việt. Nào dè rồng thiêng đã ẩn mình kịp xuống tại vịnh Hạ Long…
Theo tìm hiểu của PV TT&ĐS, hiện ở dinh “Ông Thẻ” (thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) vẫn còn cây thẻ của Đức Phật Thầy Tây An. Hàng năm nơi đây có rất đông người đến cúng viếng, chiêm bái “Ông Thẻ”. Nhiều người vẫn tin đây chính là cây thẻ mà Đức Phật Thầy đã làm phép huyền diệu nhằm phá trấn yểm của kẻ gian, giúp người dân vùng Thất Sơn yên ấm và làm ăn thịnh vượng.
Chuyện về những cây thẻ vẫn còn 2 luồng ý kiến giải thích về ý nghĩa của nó. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, chưa hẳn người Tàu nào cũng hiểm ác, xấu xa và luôn mong muốn ám hại người Việt. Có thể là kẻ hậu sinh này chưa thể hiểu được những điều huyền diệu thâm sâu, nên không thể giải thích cặn kẽ ý nghĩa nào mới là sự thật. Do đó, chuyện cắm những cây thẻ nói trên nhằm mục đích gì, xin để hạ hồi phân giải vậy!  
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Chuyện cắm cây tựa như ngày xưa nông dân đo đất. Cứ đo tới 12 tầm là gút cái ngù làm dấu, để nhân công cắt lúa biết. Cây tầm thường làm bằng gỗ, dài 3 thước (mét). Ở điểm cuối của tầm thứ 12 thì lựa bụi cỏ cột ở phần ngọn, gọi là ngù. Dân cắt lúa mướn biết cắt đến ngù là xong phần mình”.
(Còn nữa)
VĨNH SƠN (Tuổi trẻ Thủ đô)

No comments

Powered by Blogger.