Lên núi tìm người chờ chồng đến hóa đá (Núi bà Đội Om - An Giang)

 VTMT - Cuối thu, về miền biên giới Tây Nam tìm hiểu đời sống của bà con, cư dân vùng Thất Sơn là chuyến đi nhiều thú vị. Nếu như ở ngoài Bắc có “Cổng trời” thì ở đây có “Dốc trời”, ở miền Trung có núi Đá Bia ca ngợi người phụ nữ thủy chung hóa đá đợi chồng thì ở đây có núi Bà Đội Om...




Thất Sơn thanh bình - Ảnh: Đ.H.T.

Núi Bà Đội Om thuộc ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên (An Giang), cao chừng 251m. Có hai con đường lên núi. Đường ở phía tây ven tỉnh lộ 948, khúc gần núi Cấm, khá dễ đi nhưng hơi dài, từ mí lộ lên đến đỉnh khoảng 4km. Đường ở sườn đông qua khỏi chùa Làng Trái chừng 2km, là đường tắt, hơi khó đi nhưng là cung đường có thể cho những điều thú vị bất ngờ nên chúng tôi quyết định chọn.
Cung đường nhiều huyền thoại
Thất Sơn có nghĩa là “bảy núi” theo cách hiểu thông thường với những ngọn núi tiêu biểu như: Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngọa Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng). Thật ra vùng này có hơn 40 ngọn núi lớn nhỏ, trong đó có núi Bà Đội Om với cảnh quan kỳ vĩ nhưng hãy còn “yên ngủ” bởi chưa bị bàn tay con người khai thác triệt để như núi Cấm, núi Tô...

Chúng tôi may mắn được hai em học sinh người dân tộc Khmer là Chau Phi và Chau Thai nhận lời dẫn đường lên núi. Là dân bản địa nên Chau Phi và Chau Thai leo núi thoải mái như dạo chơi. Đường lên đỉnh Bà Đội Om khá hiểm trở, xuyên qua những cánh rừng thanh ca cổ thụ xen lẫn cây trâm, bời lời xanh ngút. Thấp thoáng một vài cái chòi nhỏ chìm khuất giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng hoang sơ, yên tĩnh.
Ở đây có vô số tảng đá nằm rải rác với hình thù đa dạng thử thách trí tưởng tượng lữ khách. Chúng tôi gặp “hai Ông Đá Bay”, là hai tảng đá khổng lồ trông hơi giống đầu người. Tương truyền lúc mới tạo sơn, hai ông ở trên đỉnh chen lấn nhau nên bị rơi xuống lưng chừng núi, nằm cạnh nhau đến ngày nay và như sẵn sàng tiếp tục xô lấn nhau nên dân gian đặt cho cái tên như vậy.

Dọc đường lên đỉnh Bà Đội Om có rất nhiều hang động kỳ bí, sâu hun hút. Khu vực điện “Vạn Bang Ngũ Thần” có đến hàng chục hang. Người dân địa phương kể ngày xưa nơi này đầy cọp rằn, beo gấm, rắn hổ mây, xà niên... và đến nay cũng chẳng có mấy người dám đi sâu vào trong. Vì thế bao nhiêu là câu chuyện hư ảo truyền miệng về nơi này.


Trước cửa động Ông Tư (Thiên Thai) - Ảnh: Đ.H.T.

Chờ chồng đến hóa đá
Tiếp tục hành trình, Chau Phi và Chau Thai dẫn chúng tôi vượt qua “Dốc trời”. Đây là quãng đường gai góc nhất, nhiều đoạn phải khom mình bò trên từng bậc đá xếp nghiêng một cách tự nhiên như những nấc thang. Rất may, đoạn đường hiểm hóc này khá ngắn, chỉ độ non 20m, sau đó bắt đầu thoai thoải trở lại. Vượt qua hiểm trở, chúng tôi được thiên nhiên “đãi” bằng những khe suối nhỏ, nước trong vắt, mát lạnh. Xung quanh khe suối róc rách bắt gặp nào sim, mua, nào bằng lăng trổ hoa tím ngát bướm xập xòe bay lượn. Phong cảnh đường rừng trông rất nên thơ, lãng mạn.

Qua một mảng rừng lau phất phơ bông trắng, một ngôi chùa hoang u tịch hiện ra. Chau Phi dẫn tôi đến miếu thờ “Bà Đội Om” gần đấy. Một tảng đá to, giống như đầu một người phụ nữ Khmer đội cái om. Om là vật dụng bằng sành giống như cái chum, lu nhỏ để đựng nước hoặc gạo, nếp mà người vùng nông thôn Nam bộ thường hay sử dụng. Tương truyền xưa kia có một người đàn bà đội om đựng gạo lên núi ngóng trông chồng đi xa. Đến một ngày kia, người phụ nữ ấy mỏi mòn chết đi và hóa thành đá.

Xung quanh tảng đá hình người phụ nữ đội om còn có nhiều hang động với những cái tên nghe rất tò mò: như động Thiên Thai với cửa động trông giống một yoni bằng đá khổng lồ, rồi hòn đá Rắn Ngậm Ngọc, hang Bồng Lai...
Một ngày dạo núi, ngắm nhìn bao điều kỳ thú, nghe bao nhiêu câu chuyện huyền thoại dân gian là quá “lời” đối với một người thích khám phá.


Toàn cảnh núi Bà Đội Om - Ảnh: Đ.H.T.


Đá Bà Đội Om - Ảnh: Đ.H.T.



Đá Rắn Ngậm Ngọc - Ảnh: Đ.H.T.

Về Thất Sơn nên thưởng thức món cháo bò. Thịt bò cắt mỏng trụng chín tái cùng với lòng bò đã xử lý mềm. “Lá sách” trắng, “khăn bàn” màu sữa đục vừa giòn vừa dai, miếng phèo nhân nhẩn cùng cọng tủy bò béo múp với miếng phổi mềm mềm thêm vài lát gan, tim thơm ngon, chấm cùng nước mắm ngon, hòa với vị chua của nước trái trúc - giống như chanh, có vỏ sần sùi, đây là loại trái làm chua của người Khmer Bảy Núi.

Vị cay nồng của ớt hiểm xanh cùng với hớp cháo có ít gừng băm bốc khói sẽ làm cho bạn xuất mồ hôi sảng khoái. Ngoài ra, vùng này còn có một món ẩm thực “hoang dã” khá phổ biến khi du lịch Thái Lan, Campuchia là bò cạp. Bò cạp to cỡ con dế mèn, đen bóng, càng to hơn thân, đuôi vanh vảnh. Ở Tịnh Biên, Tri Tôn có một số quán nhậu bán món bò cạp chiên bơ trông khá hấp dẫn. Dân địa phương tin rằng ăn món này trị đau nhức khớp, tay, chân...

No comments

Powered by Blogger.