Chuyện thần Bạch Hổ hiển linh trên núi Cấm
Nổi bật trong dãy Thất Sơn và chỉ cách thị xã Châu Đốc chừng 30km là ngọn núi Cấm, cao nhất và ở vào vị trí trung tâm, trước đây được bao phủ bởi những cánh rừng rậm. Nói đến “Thất Sơn” không ai ở An Giang là không biết đến, kể cả hàng triệu khách du lịch hàng năm đổ về hành hương viếng Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc. Vậy mà, nếu có ai đó truy vấn “Thất Sơn” là 7 ngọn núi nào thì ngay cả giới nghiên cứu cũng chưa đưa ra được lời giải đáp đủ sức thuyết phục.
Lý giải về cái tên “Thất Sơn”, có người cho rằng nó trùng hợp với tâm thức của người dân Nam bộ khi trong dân gian quen có câu nói “nam thất, nữ cửu”, và vì đã có “Cửu Long” ắt phải có “Thất Sơn” để âm dương được hòa hợp. Có người lại dựa theo bảng giải mã của Lạc Thư với các con số dương 3-5-7 nằm từ hướng Đông sang Tây để giải thích, cho rằng đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung) thì cũng phải có Thất Sơn (miền Nam) mới trọn vẹn ý nghĩa, thể hiện sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu. Có người lại gắn “Thất Sơn với biểu tượng tín ngưỡng, tương ứng với tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” và thế “Voi chầu, Hổ phục”: 6 ngọn núi với tên 6 con vật quý bao quanh, bảo vệ ngọn núi trung tâm là Thiên Cấm Sơn… Nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, núi Cấm hay theo cách gọi của người dân địa phương - núi Ông Cấm là một ngọn núi cao 710m, cao nhất và lớn nhất thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 90km. Thất Sơn là vùng núi linh thiêng và cũng đầy những chuyện huyền bí. Trong đó chuyện Bạch Hổ thành tinh và được thu phục bởi một ông đạo là câu chuyện cả vùng ai cũng biết.
Ảnh minh họa (Internet
Những ông đạo kỳ dị trên Thất Sơn
Cũng có ý kiến cho rằng địa danh “Thất Sơn” ra đời từ chính các ông đạo ở vùng núi non này vào giữa thế kỷ XIX. Bấy giờ, tín ngưỡng Đạo Giáo có điều kiện xâm nhập, ăn sâu và phát triển ở Nam bộ. Vùng núi non An Giang sớm trở thành nơi hội tụ của các bậc tu tiên. Có lẽ chính vì vậy mà phương ngữ Nam bộ có câu “Tu Phật Phú Yên, tu Tiên Bảy Núi”. Đạo giáo quan niệm rằng hình hài núi non, sông bãi trên trái đất đều do các vì tinh tú trên trời quy định. Bảy Núi là biểu hiện của 7 vì tinh tú - Thất tinh: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ. Trở lại khoảng thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn” như trên đã nêu, đúng là tại vùng Thất Sơn bấy giờ có rất nhiều hoạt động mang màu sắc Đạo Giáo.
Thất Sơn ngày nay đã bớt hoang vu và trở thành một quần thể du lịch sinh thái với nhiều lễ hội hấp dẫn, đặc sắc. Đến Thất Sơn, muốn biết những chuyện kỳ bí của Bảy Núi, bạn hãy tìm đến các vị đạo sĩ hay chí ít cũng là con cháu của họ, để nghe những truyền thuyết và huyền thoại đã trở thành cổ tích của Thất Sơn. Những chuyện kỳ bí nhất là những chuyện liên quan đến “thư” ‘bùa chú”. “Thư” đọc trại theo tiếng Khmer là “thnup”, nghĩa là bị bỏ bùa. Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tại tỉnh An Giang. Trước đây, người Khmer ở Thất Sơn gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Vì thế, người dân ở đây vẫn thường thêu dệt những câu chuyện kỳ bí về người Khmer.
Tương truyền, “thư” là cách hóa phép cho một vật to lớn, ví như một nắm tóc rối, con đỉa, khúc gỗ… biến thành nhỏ xíu, rồi bỏ vào đồ ăn thức uống của người muốn bỏ bùa. Sau khi vào bụng, những vật trên sẽ trở về hình dáng cũ, kích thước bình thường, gây đau đớn ghê gớm cho người bị hại. Khi bị “thư” thì không thuốc thang nào chữa nổi, chỉ có những ông đạo cao tay giải bùa mới mong tai qua nạn khỏi. Các cao niên còn kể lại rằng, người muốn luyện loại bùa chú này phải ăn những đồ dơ bẩn nhất như rác rưởi, đỉa, trùng đất… Cũng giống chơi ngải, họ phải lựa giờ linh để đọc thần chú, kêu gọi những oan hồn khuất mày, khuất mặt nhập thân để có thể sai khiến được ma quỷ.
Thất Sơn còn nổi tiếng bởi Thất Sơn thần quyền mà những công phu của nó được đồn thổi như những “âm công” của truyện chưởng. Người luyện được Thất Sơn thần quyền có thể hô mưa gọi gió, há miệng cắn đạn bắn đến, có thể niệm bùa chú cho đối thủ mất hết sức lực…Tuy nhiên chưa thấy ai luyện được môn thần quyền này ngoài những câu chuyện truyền miệng.
Chuyện thần Bạch Hổ hiển linh
Chuyện kể cách đây gần trăm năm, trên núi Cấm có ông Đạo Điện đã tu tiên đắc đạo, có nhiều phép thuật. Ngày đó trên núi Cấm xuất hiện bầy hổ trắng hung dữ đã làm hại hàng trăm người dân vào rừng kiếm củi, lấy gỗ, làm nương sinh sống. Khi ông Đạo Điện lập am thờ trên núi Cấm, đàn hổ trắng chỉ còn một con hổ lớn sinh sống trên núi. Bằng pháp thuật mình, ông Đạo Điện đã thu phục được nó, đưa nó vào con đường tu hành. Sau mười mấy năm sống bên cạnh ông, hàng ngày nghe tụng niệm giảng kinh, con Bạch Hổ đã mất hết thú tính, trở nên một con vật hiền lành, suốt ngày đăm chiêu sám hối những tội lỗi của mình. Nhưng những oan hồn bị đàn hổ trắng giết hại không được siêu thoát, cứ vất vưởng trên chốn trần gian biến thành lũ ma xó, ma trành. Bọn ma quỷ này vẫn giữ thù cũ, âm mưu hại Bạch Hổ. Nhưng chúng phải đợi ngày âm thịnh, dương suy, thiên hạ đảo điên mới nổi lên làm hại Bạch Hổ cũng như nhân quần. Biết tình thế âm đang thịnh dương đang suy, nạn âm binh sẽ bùng phát, ông Đạo Điện rất đau đầu tính kế trừ ma diệt quỷ. Tuy nhiên đã không kịp nữa.
Một ngày nọ, trong lúc ông Đạo Điện đang ngồi tụng kinh thì bên ngoài am xuất hiện hàng chục người lạ mặt, có vẻ từ bên kia biên giới sang, lăm lăm vũ khí. Chúng gầm gào đòi giết Bạch Hổ. Nhiều người còn đe dọa nếu ông không giao Bạch Hổ cho họ, họ sẽ giết cả ông. Đe dọa rồi, một tên cầm dao lao vào đâm ông Đạo. Ông Đạo Điện không nói thêm, đứng nhìn bọn họ với sự bình tĩnh của một nhà tu. Thì ngay sau đó, từ trong hang, Bạch Hổ vụt xuất hiện trước mắt mọi người. Vừa thấy con Bạch Hổ, chúng ào tới kẻ chém người buông tên độc vào mình Bạch Hổ, con thú bị thương trở nên hung dữ giơ cao móng vuốt vồ tới tấp đám người lạ mặt, làm hàng chục người chết và bị thương. Phải đến lúc ông Đạo Điện quát bảo, Bạch Hổ nới lê về bên người ông. Nhưng con thú cũng đã bị thương nặng vì tên độc và chết ngay sau đó. Sau khi lên điện gieo quẻ, ông biết những oan hồn ma quỷ đang trỗi dậy, kích động lòng hận thù giữa những gia đình bị hổ trắng giết hại từ xưa tới nay vùng lên, trút mối hận lên đầu Bạch Hổ.
Ông biết, dù Bạch Hổ đã chết nhưng bọn ma quỷ kia đâu đã dễ dàng buông tha cho nó, có thể bọn ma quỷ còn mượn hồn nó để nhập vào những con thú khác mà tiếp tục quấy nhiễu mọi người, nếu ông không ra tay trừ khử thì rất tai hại. Vì lẽ đó ông Đạo Điện đã tìm một đệ tử mà truyền cho cách trấn ếm các hồn ma. Môn trấn ếm các hồn ma phải là người có đức hạnh tốt mới dám truyền dạy phó thác, còn dùng sai mục đích cứu nhân độ thế thì người sử dụng sẽ chuốc thảm họa mà thôi. Sau thời gian dạy môn đồ cách dùng bùa ngải trấn ếm bọn ma trành, ông Đạo Điện dụ các hồn ma về hết trong hang cho đệ tử của ông ra tay trừ ếm chúng. Nhưng ngay sau khi triệu hồn ma quỷ về hang, ông Đạo Điện lại thay đổi ý định. Và ông đã dùng phép thuật thu phục các oan hồn uổng tử ấy để lấy âm đức về sau, không những vậy còn có thể sử dụng các oan hồn này vào việc công ích, đó cũng là cơ hội để họ lấy công chuộc tội, để có ngày còn được đầu thai kiếp khác. Sau khi thu phục xong các oan hồn, ông Đạo Điện trao quyền năng chỉ huy các oan hồn cho đệ tử.
Đêm hôm đó người đệ tử của ông đang ngủ bỗng thấy một bầy cọp trắng, cọp vàng xuất hiện, đuôi chúng ngoe nguẩy đi quanh chỗ người này nằm, rồi sau đó năm bảy người từ ngoài đi vào, nắm tay nhảy nhót trước bàn thờ vong, những người này nhìn đệ tử của ông Đạo ra điều hoan hỉ phục tùng, và đùa giỡn với gia đình Bạch Hổ. Đến sáng, người đệ tử tỉnh giấc vội vã thu dọn bàn thờ, đem chiếc đầu lâu Bạch Hổ, nanh cọp cùng mấy tấm bài vị trở về am của mình lập trang thờ.
Như đức tính của ông Đạo Điện, người đệ tử về sau này cũng chuyên cứu nhân độ thế, giúp đỡ mọi người khi họ hoạn nạn. Dân chúng vùng Thất Sơn cho là Bạch Hổ đã đắc đạo thành thần, nên luôn luôn tôn kính và đặt tên nơi hang động trước đây Bạch Hổ sống là Điện Ông Hổ. Vùng Năm Non Bảy Núi từ đó yên tĩnh hẳn, không ai còn nghe nói đến những chuyện hồn ma bóng quế hay thú dữ xuất hiện nữa. Nhưng những chuyện về sự linh thiêng của Thần Bạch Hổ thì dân địa phương và người hành hương đều không quên cho đến tận ngày nay.
Câu chuyên truyền miệng này tất nhiên có nhiều điều hoang đường. Tuy nhiên nó đã phản ánh được quá trình đấu tranh với thiên nhiên của con người Thất Sơn để tạo ra một vùng non xanh nước biếc trù phú như hiện nay.
No comments