BÚNG BÌNH THIÊN – ĐIỂM DU LỊCH ẤN TƯỢNG CỦA AN GIANG
Mảnh đất An Giang không chỉ nổi tiếng với khu rừng tràm Trà Sư xanh mát, núi Cô Tô hùng vĩ hay linh thiêng như Miếu Bà Chúa Xứ,… mà còn có một hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Đó chính là Búng Bình Thiên hay còn được biết đến cái tên là “hồ nước trời”, được thiên nhiên ưu đãi có nhiều loài thuỷ sản nước ngọt phong phú, đa dạng. Không chỉ giữ vai trò điều tiết nước cho một phần châu thổ của dòng Mekong huyền thoại, mà hồ nước luôn xanh trong, phẳng lặng này còn là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách thích khám phá sông nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long với văn hóa Chăm độc đáo.
Thời gian đi Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên bao gồm 2 hồ nước đó là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Trong đó, tên gọi của hồ ám chỉ Búng Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha có độ sâu trung bình khoảng 5 m. Du khách có thể tới với Búng vào bất cứ thời điểm trong năm, tuy nhiên theo kinh nghiệm của những người đi rồi cho biết du lịch vào mùa nước nổi là đẹp nhất (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch).
Tháng 8 hàng năm, dòng sông Me Kong cuồn cuộn đổ nước từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Nước lũ tràn bờ, chảy vào làm 2 hồ hòa làm một, chìm ngập trong biển nước mênh mông, diện tích mặt nước vào mùa nước nổi lên đến 900 ha. Mặt hồ phủ kín sen, súng, lục bình tạo nên một bức tranh nên thơ, tràn đầy sức sống.
Hướng dẫn đường đi Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên thuộc khu vực giáp ranh giữa 4 xã: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái và nằm phía Bắc huyện An Phú. Cách trung tâm thành phố Châu Đốc khoảng 35 km để đến hồ nước trời ban, từ TP. Long Xuyên, du khách tiếp tục theo Quốc lộ 91 đi thẳng về TP Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên theo tỉnh lộ 956 đến thị trấn An Phú. Đến đây, du khách có thể đi theo tỉnh lộ 957 hoặc từ tỉnh lộ 965 đi thẳng về cửa khẩu Khánh Bình, rẻ trái khoảng 2km là tới Búng Bình Thiên.
Đôi nét về Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên sở hữu những đặc trưng khác với nhiều hồ nước thông thường. Hồ nước trong vắt quanh năm, chỉ dâng lên và hạ xuống chứ không chảy. Miệng búng thông với nhánh sông Bình Di. Nhưng dòng nước đỏ ngầu phù sa chỉ cần chạm đến miệng hồ kỳ lạ này thì trở thành chiếc gương xanh biếc và trong lành. Hồ nước ngọt cứ mênh mông xanh ngắt, khác xa nước màu đục của những kênh, rạch, sông, hồ quanh vùng, ngay cả vào mùa lũ khi dòng nước đục ngầu phù sa tràn vào. Điều này làm cho búng Bình Thiên trở thành một trong những hồ nước có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên thế giới.
Theo tiếng địa phương, búng có nghĩa hồ và đầm. Bình là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả. Còn Thiên có nghĩa là trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này, hồ nước yên bình do trời ban. Ngoài tên gọi được dịch nghĩa theo tiếng địa phương, Búng Bình Thiên còn gắn liền với hai truyền thuyết của chúa Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) và viên tướng tài của nhà Tây Sơn tên Võ Văn Vương.
Đâu tiên là truyền thuyến gắn liền với chúa Nguyễn Ánh. Chuyện kể rằng, trong lúc trốn chạy quân Tây Sơn qua vùng An Phú, do thời tiết bị khô hạn, quân sĩ đói mệt, lương thức hết sạch mà xung quanh chẳng có nguồn nước nào. Nhòm ngó xung, chúa thấy có một hồ nước rộng lớn nhưng toàn chỉ là các và đá. Tức tối, chúa rút gươm đâm thẳng xuống thì bỗng đâu nước chảy ra, lạ thay, nước các chảy thì càng mắt và trong. Nhờ nguồn nước đó mà cả đội quân theo phò chúa được cứu sống, từ đó chúa đặt tên cho hồ là “hồ nước trời ban”.
Truyền thuyết thứ hai là vào cuối thế kỉ thứ 18. Trong một lần tướng Võ Văn Vương (một viên tướng của nhà Tây Sơn) hành quân qua khu vực Búng Bình Thiên vào mùa khô. Tướng Võ Văn Vương thấy một cái hồ rộng lớn mà chẳng có giọt nước nào trong khi đó quân sĩ thì mệt mỏi, rã rời. Thấy vậy ngài dâng lễ vật cúng trời đất mong trời ban nước cho các binh sĩ và khi ông đâm thanh gươm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó về sau, hồ nước này được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời. Cả hai câu chuyện trên đều là truyền thuyết, nói lên sự linh thiêng và kỳ bí của hồ nước.
Tham quan Búng Bình Thiên
Do đây là hồ nước cho nên phương tiện chủ yếu để tham quan đó là đi bằng thuyền. Thông thường, mỗi thuyền sẽ chở khoảng 4-10 du khách đi tham quan với mức giá giao động từ 150.000 – 300.000 VND một người. Đi một vòng sẽ mất một khoảng thời gian là 40 phút. Đi thuyền trên hồ mới cảm nhận được sự ưu ái của thiên nhiên dành cho một vùng đất. Không khí trong lành, gió mát, nước trong xanh, những bông hoa đang đua nhau khoe sắc. Những chiếc ghe thả lưới trôi lững lờ khiến ta có cảm giác mọi thứ nơi đây đều chậm rãi, thong dong như cuộc sống của người dân bản địa.
Đến với Búng Bình Thiên, du khách còn được khám phá nhà bè, lồng nuôi cá. Bên cạnh hoạt động ngắm cảnh và chụp ảnh ra thì du khách còn được trải nghiệm giăng lưới bắt cá, bắt ếch., hái bông điên điển,….
Kết hợp với chuyến du ngoạn, bạn có thể tìm đến xóm người Chăm sinh sống gần hồ để tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương. Làng Chăm đã hình thành hơn 100 năm với những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah lộng lẫy. Nơi sinh hoạt tín ngưỡng, đời sống tâm linh cộng đồng Chăm nơi đây.
Tới đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già, đàn ông Chăm đi lễ, những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa bên bờ hồ… Tất cả hòa quyện khiến du khách cảm thấy Búng Bình Thiên thật huyền ảo mà quá đỗi thanh bình và gần gũi. Từ lâu, đời sống người Chăm đã gắn bó với búng Bình Thiên như những đứa con thương mến mẹ hiền. Chính hồ nước thiên nhiên này đã dung dưỡng bao thế hệ người Chăm trên mảnh đất đầu nguồn thơ mộng.
Vào mỗi cuối tháng 8 hàng năm, du khách tới Búng Bình Thiên sẽ được tham dự vào lễ hội Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi. Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc không chỉ của người dân vùng đầu nguồn An Phú, mà còn là sản phẩm độc đáo của du lịch An Giang. Ban ngày thì diễn ra rất nhiều trò chơi như đua thuyền, bơi lội, chống xuồng đua, nơm cá,… Về đêm, ở trên mặt hồ sẽ diễn ra hoạt động văn nghệ tại một sân khấu nổi mang đậm chất dân gian.
Ăn gì ở Búng Bình Thiên?
Không chỉ thu hút du khách bằng nét vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của một vùng quê yên tĩnh, Búng Bình Thiên còn níu giữ thực khách ở lại bằng những món ăn dân dã. Một trong những đặc sản tại Búng Bình Thiên mà bạn nên thưởng thức khi tới đây đó là món cá đồng. Vào làng Chăm thì cà ri và lạp xưởng bò là ngon nhất. Ngoài ra vào mùa nước nổi, du khách còn được thưởng thức các món ăn khác như bông súng bóp gỏi, chuột đồng chiên sả ớt, cá linh non kho tiêu, lẩu cá linh bông điên điển, lẩu mắm bông điên điển, gỏi hoa súng, chả cá linh,…
Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá độc đáo. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn hàng ra bán với những món ăn mộc mạc, “siêu” rẻ nhưng rất ngon như: bún nước lèo cá lóc, bánh khọt, bánh xèo “nhụy” bông điên điển… Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có thể tham gia tour An Giang mùa nước nổi của Thám Hiểm MeKong tại đây để tìm hiểu phong cách sống của người Chăm theo đạo Hồi, thưởng thức các món ăn dân dã của đồng bào Chăm với nguồn hải sản chính tại hồ nước xinh đẹp này.
Hãy du lịch An Giang, đến Búng Bình Thiên một lần bạn nhé để được tận hưởng, được chiêm ngưỡng và ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh mặt hồ trong xanh, phẳng lặng và bình dị vô cùng. Chắc chắn ai đã từng đến Búng Bình Thiên sẽ luôn nhớ mãi cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, sâu lắng mà miền đất này mang đến.
https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/bung-binh-thien-diem-du-lich-tuong-cua-giang.html
No comments