Kể chuyện Bác Hồ - Mẩu chuyện 10: Bài học về sự đoàn kết

 Mẩu chuyện 10: Bài học về sự đoàn kết

BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ NGƯỜI DÂN TỘC
Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.
Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột... Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: "Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác  đứng chờ ngay ngoài sân.
ke-chuyen-bac-ho-tong-hop-20-mau-chuyen-hay-va-y-nghia-nhat-ve-bac-3-voh
Kể chuyện Bác Hồ - Tổng hợp 20 mẩu chuyện hay và ý nghĩa nhất về Bác (Nguồn: Internet)
Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:
- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:
- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?
Tôi thưa:
- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ...Bác nói:
- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".
Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta. 
Bài học kinh nghiệm
Câu chuyện ngắn gọn nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn... Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là việc đề ra các chính sách đối với các dân tộc thiểu số, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để tạo ra sức mạnh to lớn của cả dân tộc, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.

Những câu chuyện ngắn về Bác với thiếu nhi

  1. Đến thăm trường thiếu nhi miền Nam

Nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cô chú phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác.
Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có 1 cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
- Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
- Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Bạn Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
  1. Thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ

Trong một lần đến thăm nước Tiệp Khắc, Bác Hồ được tiếp một đoàn thiếu nhi Tiệp Khắc đến thăm Bác. Cháu nào cũng muốn đứng cạnh Bác nên đã chen chúc, tranh giành nhau rất dữ. Để ổn định trật tự, Bác đã nảy ra sáng kiến hỏi các cháu:
- Các cháu thấy Bác gầy hay mập?
Các cháu trả lời:
- Bác gầy lắm ạ.
Bác lại hỏi:
- Vậy các cháu có muốn Bác gầy không?
Các cháu đồng thanh trả lời:
- Không ạ
Bác nói tiếp:
- Vậy các cháu đừng chen nhau hôn Bác nữa. Hãy cử 1 đại biểu đến hôn Bác thôi.
Sau câu nói của Bác, tất cả đều trật tự và cử bạn đội trưởng thay mặt tất cả đến hôn Bác. Bác ôm hôn bạn đội trưởng và cảm ơn các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc. Còn các chú bảo vệ thì lại cảm ơn Bác vì Bác đã có sáng kiến duy trì được trật tự mà vẫn giữ được tình cảm yêu quý của thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác Hồ.
  1. Đối thủ đáng yêu

Ngày 7 – 2 - 1958 hơn 3.000 em thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ.
Các em hô vang sôi nổi: ''Cha, Cha Hồ (Bác Hồ). Thủ tướng Nêru ngồi cạnh Bác sung sướng nói vui:
- Ngài là đối thủ đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác.
Ở Ấn Độ, các em thiếu nhi chỉ gọi Nêru là Bác, và Bác Hồ là người thứ hai được các em gọi là Bác.
Không khí hôm đó vui như ngày hội. Các em ùa lên tặng hoa, có em tặng Bác Hồ hai cái kẹo. Có em mù cả hai mắt được Bác ẵm lên sờ râu, sờ má Bác, rồi ôm chặt lấy Bác một cách âu yếm. Trước tình cảm đó ai cũng cảm động.
ke-chuyen-bac-ho-tong-hop-20-mau-chuyen-hay-va-y-nghia-nhat-ve-bac-4-voh
Kể chuyện Bác Hồ - Tổng hợp 20 mẩu chuyện hay và ý nghĩa nhất về Bác (Nguồn: Internet)
  1. Dành cho các cháu

Trước khi thiết kế ngôi nhà sàn gỗ của Bác tại Phủ Chủ tịch (tầng trên có hai phòng, một phòng Bác dùng vào việc, một phòng nghỉ. Còn tầng dưới là nơi Bác họp và tiếp khách). Bác có ý kiến:
- Khách của Bác có nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu, vì vậy chú thiết kế cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh.
Vâng lời Bác, các đồng chí đã thiết kế hàng ghế đó. Mỗi lần các cháu đến, các cháu đều quây quần bên Bác và được Bác chia bánh kẹo.
Một hôm Bác nói với đồng chí giúp việc:
- Chú xem, khách “tí hon” của Bác khá nhiều, để các cháu vui thì phải có cảnh cho các cháu xem, chú gắng kiếm một chiếc bể về để nuôi cá vàng làm cảnh cho các cháu.
Vâng lời Bác, đồng chí giúp việc đi tìm mua một bể nuôi cá đặt tại hành lang của tầng dưới ngôi nhà sàn và thả ba con cá vàng rất đẹp.
Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Người để dành những mẩu bánh mì làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, ba con cá vàng ngày một lớn và phát triển.
Mùa đông trời lạnh, Bác nói:
- Cá cũng như người, mùa đông phải giữ nhiệt độ đủ ấm. Chú nên làm một chiếc nắp đậy bể cá để bảo đảm độ ấm cho cá.
Khách đến thăm nhà Bác, nhất là “khách tí hon” rất thích thú đứng ngắm bể cá vàng. Những con cá màu sắc thật sặc sỡ, tung tăng, lấp lánh, bơi lặn trong bể nước.
  1. Các cháu sạch và ngoan thật!

Đầu năm 1967, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình. Các em thiếu nhi xóm Dân Chủ hát vang bài “Giải phóng miền Nam” đón Bác. Bác hỏi:
- Các cháu có ngoan không
- Thưa Bác có ạ! Các cháu cùng trả lời.
- Các cháu có vâng lời cha mẹ không?
- Thưa Bác có ạ!
- Các cháu ăn ở có sạch sẽ không?
- Thưa Bác có ạ!
- Chìa tay cho Bác xem nào?
Những bàn tay xinh xắn, chìa ra trước mặt cho Bác xem. Bác gật đầu hài lòng lắm vì thấy cuộc sống của các cháu nhỏ ở nông thôn đã thay đổi dần với cuộc sống của dân làng. Các cháu sạch và ngoan thật. Bác Hồ lấy kẹo chia cho các cháu rồi lại tiếp tục đi.

Một số câu chuyện ngắn khác về Bác Hồ

  1. Một lần nhớ mãi

Đầu năm 1967 Bác về Thái Bình. Ô tô đưa Bác đến bến Triều Dương thì phải sang phà. Mấy đồng chính uỷ đến đón, một cán bộ định giới thiệu với Bác. Bác nói:
- Thôi, thôi đi về cho sớm.
Canô mắc cạn loay hoay mãi vẫn chưa cập được bến. Trời chiều, không thể để Bác chờ lâu nên đành phải đưa thuyền nan ra đón Bác vào bờ. Bác trèo lên đê, hỏi cô Định thường vụ tỉnh uỷ:
- Có còn lối nào đi lý thú hơn nữa không?
Cô Định thành thật thưa:
- Bác phải đi xe, chứ về chúng cháu còn xa lắm.
Anh cán bộ đi theo Bác cười:
- Bác phê bình khéo đấy! Rồi nói khẽ “tưởng bở”.
Về xã Tân Hoà, cán bộ địa phương mời Bác ngồi ghế giữa ưu tiên. Bàn kê thì chật, Bác lựa mãi mới đứng lên được.
Bác mở đầu như một vế đối:
- Ghế ưu tiên nên người không nhúc nhích...
Anh chị em chỉ biết cười trừ.
Đến bữa cơm, Bác giở cơm nắm ra ăn. Cô Định cứ năn nỉ mãi, mời Bác dùng cơm nóng, Bác bảo:
- Bác dùng cơm này đã quen rồi…
Trong bữa cơm có bát dưa. Cô Định cứ gắp mãi dưa, Bác hỏi:
- Dưa có ngon không?
Cô Định nói một mạch:
- Ngon lắm ạ. Tỉnh chúng cháu năm nay trồng dưa thừa ăn còn đem bán cho các tỉnh bạn.
Bác tủm tỉm cười:
- Dưa này không phải dưa Thái Bình đâu. Dưa Bác đem từ Hà Nội về đấy...
Sau này, cô Định nói: Chỉ một bần ấy mà tôi nhớ mãi. Học được bao nhiêu điều.
  1. Bác có phải là vua đâu

Cuối năm 1961, Bác Hồ về quê h­ương Nghệ An thăm hỏi bà con xã Vĩnh Thành - nơi có phong trào điển hình về trồng cây. Bác đứng giữa nắng trưa nói chuyện với nhân dân khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng. Đồng chí Chủ tịch huyện thấy vậy cho tìm m­ượn đư­ợc chiếc ô, định dương lên che nắng cho Bác. Thấy vậy Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu?
ke-chuyen-bac-ho-tong-hop-20-mau-chuyen-hay-va-y-nghia-nhat-ve-bac-5-voh
Kể chuyện Bác Hồ - Tổng hợp 20 mẩu chuyện hay và ý nghĩa nhất về Bác (Nguồn: Internet)
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá anh vũ, một loại cá sông quý hiếm th­ường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:
- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thư­ởng thức. Tư­ởng chuyện cũng sẽ qua đi, nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ý không bằng lòng: Bác có phải là vua đâu mà phải cúng tiến!
Rồi Ng­ười kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như­ Bác đã từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nh­ưng nếu miếng ngon đó lại đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận.
  1. “Lịch sử” ba bộ quần áo của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai bộ quần áo được anh em giúp việc đặt tên là “bộ kháng chiến”, “bộ kaki vàng”. ”Bộ kháng chiến” được may từ khi Bác lên Việt Bắc và Bác đã mặc trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.
Ngoài hai bộ trên, Bác còn một bộ quân phục màu xanh, một bộ lụa Hà Đông màu gụ. Mùa rét, Bác mặc bên trong một áo len, khoác ngoài một áo “ba-đờ-xuy” chiến lợi phẩm dài quá đầu gối, quà của một đơn vị tặng Người. Trong chiến dịch Biên giới 1950, khi đến thăm thương binh, thấy một chiến sĩ bị mất máu nhiều, rét, Bác đã cởi chiếc “ba-đờ-xuy” này đắp lên người đồng chí đó.
Trên chiếc áo quân phục có một miếng mạng ở vai áo phải, “kỷ niệm” một đầu nhọn chiếc đinh đòn gánh của một cụ già dân công phục vụ chiến dịch Biên giới, qua suối, trượt chân ngã đã làm toạc vai áo Bác.
Thường khi đưa áo đi giặt, Bác nhắc:
- Giặt xong các chú xem áo có chỗ nào sờn thì sửa lại cho Bác, đừng đem nhờ các cô ở cơ quan. Các cô hãy còn bận nhiều việc, để dành thì giờ cho các cô chăm sóc dạy dỗ các cháu nhỏ…
  1. Ngăn nắp và trật tự

Hồi ở Pác Bó, dù sống ở trong hang đá hay trong một lán nhỏ, Bác Hồ vẫn giữ nếp sống ngăn nắp và trật tự. Đồ đạc, tài liệu Bác sắp xếp theo thứ tự riêng, cái nào ra cái đó, không bao giờ lẫn lộn. Sách, báo, tài liệu, Bác xếp để trên các bậc. Ấm chén, bút mực… cũng đều có quy định chỗ để hẳn hoi. Ai động đến là Bác biết.
ke-chuyen-bac-ho-tong-hop-20-mau-chuyen-hay-va-y-nghia-nhat-ve-bac
Kể chuyện Bác Hồ - Tổng hợp 20 mẩu chuyện hay và ý nghĩa nhất về Bác (Nguồn: Internet)
Bác có một chiếc máy chữ mang từ nư­ớc ngoài về, thường vẫn dùng để đánh tài liệu. Cứ sau mỗi buổi làm việc, Bác xếp máy chữ vào một túi riêng, còn tài liệu thì bỏ vào thùng sắt đậy cẩn thận. Chả thế mà có hôm báo động, chỉ mấy phút sau Bác đã xếp xong các thứ gọn gàng. Còn đồng chí khác thì chạy tới chạy lui, vấp cả vào nhau. Có đồng chí, thứ cần thiết thì không mang đi, thứ không cần thì lại lấy. Thấy thế, Bác nhẹ nhàng bảo:
- Gọn gàng, ngăn nắp cũng là một cách bảo mật. Khi hoạt động bí mật cũng như­ trong nếp sống hàng ngày của người cán bộ các chú phải th­ường xuyên chú ý rèn luyện.
Sau này, khi về sống ở Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp sống gọn gàng, ngăn nắp ấy. Trên bàn làm việc của Bác dư­ới nhà sàn, ngày nào cũng vậy, sau giờ buổi sáng, tr­ước lúc sang ăn cơm, Bác đều xếp tài liệu, sách vở ngay ngắn. Buổi chiều hết giờ làm việc, Bác mang tài liệu lên nhà, mỗi thứ để một nơi theo đúng chỗ quy định.
Một lần, đang lúc giữa tr­ưa thì còi thành phố báo động có máy bay Mỹ đến. Bác bình tĩnh từ trên nhà đi xuống cầu thang. Nhìn thấy một số đồng chí bảo vệ tất tưởi chạy ra hầm, quần, áo, súng, đạn, balô không gọn gàng, Bác bảo:
- Các chú là bộ đội, phải bình tĩnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Lúc có giặc cũng nh­ư khi không có giặc. Muốn vậy, trong cuộc sống hàng ngày các chú phải sống ngăn nắp, trật tự và gọn gàng.
  1. Bác với miền Nam
Có lẽ những tình cảm yêu thương sâu nặng nhất Bác dành trọn cho đồng bào miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ, đó là những nơi Bác thường đối diện, trầm tư. 
Vào các dịp lễ Tết, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam. Bác bảo: “Các cháu xa nhà, xa quê. Mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”.
Hồi đi thăm Trung Quốc, Bác nghỉ lại Nam Ninh, ghé thăm Trường thiếu nhi miền Nam của ta trên đất bạn. Lúc sắp ra về, Bác bắt nhịp bài “Kết đoàn”, các cháu thiếu nhi biết, quây tròn lại, không cho Bác về, các đồng chí công an Trung Quốc lo lắm. Một em nhỏ luồn dưới chân mọi người, tiến về phía Bác, sờ dép, sờ áo Bác, thế là các cháu khác bắt chước, cố xô lại để chạm được tay vào người Bác.
Thấy vậy, các đồng chí cảnh vệ ngăn lại. Bác khoát tay cười: “Các cháu đánh du kích ta đó”, và xoa đầu từng cháu một. Hồi lâu các cháu bảo nhau tự động giãn ra để Bác về nghỉ.
Có thể nói, cuộc đời và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam. Những câu chuyện kể về Bác Hồ thì vô vàn, không thể nào kể hết. Với những mẩu kể chuyện Bác Hồ được chúng tôi chọn lọc trên đây thể hiện tình cảm trân trọng biết ơn, để từ đó, chúng ta biết học tập đức tính tốt của Bác và ngày càng hoàn thiện hơn bản thân.

No comments

Powered by Blogger.